Nhà nước phải chi phí cho việc toà án tiến hành giải quyết các vụ việc dân sự là do lỗi của đương sự hoặc vì lợi ích riêng của đương sự. Do vậy, pháp luật quy định đương sự phải chịu một phần số tiền Nhà nước đã chi cho toà án thực hiện các hoạt động đó. Đối với các khoản tiền này được gọi là án phí, lệ phí. Trong đó, án phí dân sự là số tiền đương sự phải nộp ngân sách nhà nước khi vụ án dân sự được tòa án giải quyết; lệ phí là số tiền đương sự phải nộp ngân sách nhà nước khi toà án giải quyết việc dân sự hoặc khi toà án thực hiện các công việc theo yêu cầu của họ.
Các đương sự phải chịu án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật đối với từng loại vụ việc, trên cơ sở lợi ích và mức độ lỗi của họ trong quan hệ pháp luật toà án giải quyết.
I- Nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí sơ thẩm và phúc thẩm
[1]- Nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí sơ thẩm
Nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí sơ thẩm được quy định tại các điều 147, 149 BLTTDS năm 2015 và các điều 26, 27, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 43, 44 và 45 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Theo các quy định này, nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí sơ thẩm của đương sự được xác định theo các nguyên tắc sau:
– Đương sự đưa ra yêu cầu phải chịu án phí dân sự sơ thẩm đối với yêu cầu không được tòa án chấp nhận, trường hợp yêu cầu của họ được tòa án chấp nhận thì đương sự bị yêu cầu phải chịu án phí dân sự sơ thẩm;
– Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế và có một trong các bên yêu cầu tòa án giải quyết chia tài sản chung, di sản thừa kế đó;
– Nguyên đơn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm trong vụ án ly hôn không phụ thuộc vào việc toà án chấp nhận hay không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn;
– Các đương sự trong vụ án hôn nhân và gia đình có tranh chấp về việc chia tài sản chung của vợ chồng thì ngoài việc chịu án phí dân sự sơ thẩm còn phải chịu án phí đổi với phần tài sản có tranh chấp như đối với vụ án dân sự có giá ngạch tương ứng với giá trị phần tài sản mà họ được chia;
– Người có nghĩa vụ cấp dưỡng định kỳ theo quyết định của toà án phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như đối với trường hợp vụ án dân sự không có giá ngạch;
– Các bên đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án trong trường hợp tòa án tiến hành hòa giải trước khi mở phiên toà thì phải chịu 50% mức án phí quy định;
– Trường hợp các bên đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa sơ thẩm thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm như trường hợp xét xử vụ án đó;
– Người yêu cầu tòa án giải quyết việc dân sự phải chịu lệ phí sơ thẩm không phụ thuộc vào việc tòa án chấp nhận hay không chấp nhận đơn yêu cầu của họ, trừ trường hợp không phải nộp hoặc được miễn nộp lệ phí tòa án;
– Đổi với lệ phí cấp bản sao giấy tờ, sao chụp tài liệu tại toà án thì người có yêu cầu phải chịu toàn bộ.
Khi hoà giải, toà án xác định sổ tiền án phí, lệ phí đương sự phải nộp trong vụ việc dân sự và các đương sự được thỏa thuận với nhau về việc ai phải chịu án phí, lệ phí. Trong trường hợp các đương sự không thỏa thuận hoặc thoả thuận không được thì toà án căn cứ vào các nguyên tắc trên quyết định. Khi giải quyết vụ việc dân sự, toà án quyết định số tiền án phí, lệ phí cụ thể mỗi đương sự phải chịu trong bản án, quyết định. Quyết định về án phí, lệ phí của tòa án trong bản án, quyết định được thi hành khi bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật.
[2]- Nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí phúc thẩm
Nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí phúc thẩm được quy định tại các điều 148 và 149 BLTTDS năm 2015 và các điều 29, 37 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14. Theo các quy định này, nghĩa vụ nộp án phí, lệ phí phúc thẩm của đương sự được xác định theo các nguyên tắc sau:
– Đương sự kháng cáo phải nộp án phí phúc thẩm, nếu toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải nộp án phí phúc thẩm;
– Trong trường hợp tòa án cấp phúc thẩm sửa bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo thì đương sự kháng cáo không phải nộp án phí phúc thẩm; toà án cấp phúc thẩm phải xác định lại nghĩa vụ nộp án phí sơ thẩm theo các nguyên tắc nêu trên;
– Trong trường hợp tòa án cấp phúc thẩm huỷ bản án, quyết định sơ thẩm bị kháng cáo để xét xử sơ thẩm lại thì đương sự kháng cáo không phải nộp án phí phúc thẩm; nghĩa vụ nộp án phí được xác định lại khi giải quyết sơ thẩm lại vụ án;
– Đương sự rút kháng cáo trước khi mở phiên toà phúc thẩm phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm; nếu rút kháng cáo tại phiên toà phúc thẩm phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm;
Trường hợp các đương sự thoả thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm thì đương sự kháng cáo phải chịu toàn bộ án phí dân sự phúc thẩm; toà án xác định lại án phí dân sự sơ thẩm theo sự tự thoả thuận của các đương sự về việc chịu án phí dân sự sơ thẩm của họ hoặc theo nội dung thỏa thuận về việc giải quyết vụ án tại phiên tòa phúc thẩm;
– Trường hợp nguyên đơn rút đơn khởi kiện trước khi mở phiên toà phúc thẩm hoặc tại phiên toà phúc thẩm và được bị đơn đồng ý thì các đương sự vẫn phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo quyết định của toà án cấp sơ thẩm và phải chịu 50% mức án phí dân sự phúc thẩm.
Khi phúc thẩm vụ việc dân sự, ngoài việc xem xét giải quyết yêu cầu kháng cáo, kháng nghị thì toà án cấp phúc thẩm cũng phải quyết định đương sự nào phải chịu tiền án phí, lệ phí phúc thẩm. Trong trường hợp tòa án cấp phúc thẩm huỷ, sửa bản án hoặc quyết định sơ thẩm thì tùy trường hợp, toà án cấp phúc thẩm giữ nguyên hoặc quyết định lại sổ tiền án phí, lệ phí sơ thẩm đương sự phải chịu.
II- Miễn, giảm án phí, lệ phí
Khi toà án giải quyết vụ việc dân sự, các đương sự phải chịu án phí, lệ phí theo quy định của pháp luật, tuỳ theo loại vụ việc dân sự, trên cơ sở lợi ích, mức lỗi của họ trong quan hệ pháp luật toà án giải quyết trong vụ việc dân sự. Tuy vậy, do tính chất của từng loại vụ việc và điều kiện kinh tế của đương sự, trong một số trường hợp pháp luật quy định miễn, giảm việc nộp tiền tạm ứng án phí, lệ phí và tiền án phí, lệ phí cho họ. Ví dụ: Người có khó khăn, về kinh tế được uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người đó cư trú hoặc cơ quan, tổ chức nơi người đó làm việc xác nhận; người lao động khởi kiện đòi tiền lương, trợ cấp mất việc làm, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, tiền bồi thường về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; giải quyết những vấn đề bồi thường thiệt hại hoặc vì bị sa thải, chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật; người yêu cầu cấp dưỡng, xin xác định cha, mẹ cho con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự V.V.. Ngoài ra, đối với cơ quan,- tổ chức khởi kiện vụ án dân sự đế bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người khác, lợi ích công cộng, lợi ích của Nhà nước thì pháp luật còn quy định không phải nộp tiền án phí, lệ phí.
Hiện nay, việc miễn giảm án phí, lệ phí được thực hiện theo quy định tại Điều 150 BLTTDS năm 2015 và các điều từ Điều 12 đến Điều 16 của Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.