Trẻ em là một trong những đối tượng dễ bị xâm hại, dễ bị tổn thương nhất bởi các hành vi bạo lực do sự yếu ớt về thể chất, non nớt về nhận thức, kinh nghiệm sống và kĩ năng sống bởi chưa được trải nghiệm nhiều cũng chưa được dạy bảo một cách bài bản. Trong đó, hành vi xâm hại tình dục trẻ em là dạng hành vi bạo lực nghiêm trọng nhất, gây ra những ảnh hưởng vô cùng xấu tới sự phát triển của trẻ. Bài viết dưới đây, mời bạn đọc tìm hiểu những quy định của pháp luật Việt Nam trong việc phòng chống xâm hại tình dục đối với trẻ em.
Thế nào là phòng, chống xâm hại tình dục trẻ em?
Mục lục bài viết
Hành vi xâm hại tình dục trẻ em là hành vi của các cá nhân lợi dụng tình trạng bị phụ thuộc hoặc không thể phản kháng được của trẻ em để thực hiện hành vi xâm hại trực tiếp đến quyền tự do thân thể và bất khả xâm phạm về tình dục hoặc bóc lột tình dục trái ý muốn của trẻ em.
Từ định nghĩa trên, có thể suy ra phòng chống xâm hại tình dục trẻ em là áp dụng các biện pháp hay các quy định của pháp luật để bảo vệ trẻ khỏi xâm hại tình dục.
Các quy định tại Luật Trẻ em năm 2016
Luật Trẻ em 2016 là văn bản quy định một toàn diện về quyền, lợi ích hợp pháp của trẻ em. Do đó, đây là đạo luật hàng đầu của Việt Nam trong danh mục các văn bản pháp lý bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục.
Trong đó, Chương IV có nhiều quy định về cách thức bảo vệ trẻ khỏi tình trạng trên của các cơ quan chức năng, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em, của gia đình, nhà trường và toàn xã hội. Ở mỗi cấp độ, sẽ có những biện pháp chăm sóc cụ thể đi kèm như xây dựng môi trường an toàn cho trẻ, tìm kiếm người chăm sóc thay thế… Ngoài ra, tại Chương IV cũng đặt ra các vấn đề bảo vệ các em xuyên suốt quá trình tố tụng hình sự với nguyên tắc hàng đầu là xử lý vụ việc kịp thời, nhanh chóng và có sự liên kết chặt chẽ giữa gia đình, các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em với các cơ quan có thẩm quyền.
Đồng thời, trong Nghị định số 56/2017/NĐ-CP hướng dẫn chi tiết một số quy định của Luật Trẻ em năm 2016, trong đó đã bổ sung nhiều biện pháp hỗ trợ, can thiệp và chăm sóc thay thế cho trẻ em bị xâm hại tình dục, phòng chống các hành vi xâm hại tình dục trẻ em tại chương II và chương V trên cơ sở các điều khoản bảo vệ trẻ em thuộc chương IV Luật Trẻ em năm 2016. Đặc biệt, có quy định cụ thể về việc thành lập Tổng đài điện thoại quốc gia bảo vệ trẻ em. Khi tiếp nhận tin trẻ đã bị xâm hại tình dục hay tin tố giác tội phạm từ Tổng đài, các cơ quan chức năng có thẩm quyền đánh giá nhanh chóng mức độ tổn hại, lên kế hoạch hỗ trợ, can thiệp với trẻ bị xâm hại.
Các quy định tại Bộ luật Hình sự
Những hành vi xâm hại trực tiếp đến quyền được tôn trọng danh dự, nhân phẩm, quyền bất khả xâm phạm về tình dục của trẻ em có đủ các dấu hiệu cấu thành tội phạm có thể bị xử lý về hình sự theo các tội danh tương ứng được quy định trong bộ luật hình sự. Bao gồm các tội: Hiếp dâm trẻ em, cưỡng dâm trẻ em, giao cấu với trẻ em, dâm ô với trẻ em. Những người phạm những tội này thường phải chịu hình phạt cao như chung thân, thậm chí tử hình đồng thời còn có thể bị áp dụng một số hình phạt bổ sung như cấm hành nghề hoặc làm một số công việc nhất định. Từ đó, có ý nghĩa răn đe, phòng ngừa những người muốn thực hiện hành vi xâm hại tình dục trẻ em.
Bộ luật Hình sự cũng có quy định hành vi có tính chất bóc lột tình dục trẻ em vì mục đích thương mại tại Chương XIX. Đó là các tội như tội chứa mại dâm, môi giới mại dâm, mua dâm người chưa thành niên. Trong đó, hành vi phạm tội đối với trẻ em là tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự, tuổi trẻ càng thấp thì trách nhiệm càng cao. Ngoài việc chấp hành những hình phạt chính còn có thể bị áp dụng những hình phạt bổ sung như phạt tiền, tịch thu tài sản…
Xem thêm: Xâm hại tình dục trẻ em
Các quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự
Trẻ em khi bị xâm hại tình dục được hưởng “quyền được bảo vệ khỏi những khó khăn trong quá trình tư pháp” theo “Hướng dẫn về tư pháp đối với những vấn đề liên quan đến nạn nhân và nhân chứng của tội phạm là trẻ em”. Trên cơ sở đó, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 đã thiết kế chương XXVIII về Thủ tục tố tụng đối với người dưới 18 tuổi và Chương XXXIV về Bảo vệ người tố giác tội phạm, người làm chứng, bị hại và người tham gia tố tụng khác.
Tại Chương XXVIII đặt ra phạm vi áp dụng đối với người bị hại là người dưới 18 tuổi và trình bày những nguyên tắc tiến hành tố tụng dựa trên sự thân thiện, phù hợp với lứa tuổi cũng như cam kết một số quyền như quyền được giữ bí mật,…. vì đảm bảo lợi ích của bị hại. Ngoài ra, việc lấy lời khai của người bị hại dưới 18 tuổi phải có sự tham dự của người đại diện hoặc người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp;….
Chương XXXIV ghi nhận quyền được bảo vệ của trẻ bị xâm hại tình dục trong suốt quá trình tố tụng. Tuy nhiên, các biện pháp này là không bắt buộc. Căn cứ áp dụng các biện pháp bảo vệ dựa trên tính mạng, danh dự, nhân phẩm,… Dựa vào đó, các cơ quan chức năng sẽ có những biện pháp bảo vệ phù hợp như: bố trí lực lượng canh gác,.. Từ đó, giúp cho việc phòng chống xâm hại tình dục trẻ em được thực hiện một cách có hiệu quả.
Xem thêm các nội dung pháp lý liên quan tại: Luật Hôn nhân