Mang thai hộ là một bước đột phá trong công tác lập pháp, mở ra niềm hy vọng mới cho nhiều cặp vợ chồng vô sinh hiếm muộn không thể sinh con. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề nảy sinh trong quá trình thực thi quy định này. Vậy mang thai hộ có hợp pháp không? Luật mang thai hộ ở Việt nam được quy định như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu trong bài viết này!
Mang thai hộ là gì?
Mục lục bài viết
Pháp luật hôn nhân gia đình đưa ra hai khái niệm về mang thai hộ với hai mục địch khác nhau. Cụ thể, khoản 22 và khoản 23 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định:
Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo là việc một người phụ nữ tự nguyện, không vì mục đích thương mại giúp mang thai cho cặp vợ chồng mà người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản, bằng việc lấy noãn của người vợ và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm, sau đó cấy vào tử cung của người phụ nữ tự nguyện mang thai để người này mang thai và sinh con.
Mang thai hộ vì mục đích thương mại là việc một người phụ nữ mang thai cho người khác bằng việc áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản để được hưởng lợi về kinh tế hoặc lợi ích khác.
Khác biệt giữa Đẻ thuê và mang thai hộ vì mục đích thương mại
Mang thai hộ ở Việt Nam có hợp pháp không?
Pháp luật Việt Nam hiện nay chỉ cho phép mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Tuy nhiên để hoạt động này được hợp pháp thì phải đáp ứng được các điếu kiện nhất định theo quy định.
Bên cạnh đó, hành vi thực hiện sinh con bằng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản vì mục đích thương mại, mang thai hộ vì mục đích thương mại là hành vi bị pháp luật nghiêm cấm, người vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Mang thai hộ vì mục đích thương mại bị phạt như thế nào?
Điều kiện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo tại Việt Nam
Theo quy định tại Điều 95 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, để được mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, cả người mang thai hộ và người nhờ mang thai hộ đều phải đáp ứng những điều kiện nhất định. Cụ thể:
Điều kiện đối với người nhờ mang thai hộ:
- Vợ chồng đang không có con chung;
- Có xác nhận của tổ chức y tế về việc người vợ không thể mang thai và sinh con ngay cả khi đã áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
- Đã được tư vấn về y tế, pháp lý, tâm lý.
Điều kiện đối với người mang thai hộ:
- Là người thân thích cùng hàng của bên vợ hoặc bên chồng nhờ mang thai hộ;
- Đã từng sinh con và chỉ được mang thai hộ 01 lần;
- Ở độ tuổi phù hợp và có xác nhận của tổ chức y tế về khả năng mang thai hộ. Nếu có chồng thì phải có sự đồng ý bằng văn bản của người chồng…
Đặc biệt: Việc mang thai hộ phải được thực hiện trên cơ sở tự nguyện của các bên và lập thành văn bản.
Nội dung liên quan: Quyền và nghĩa vụ của các bên khi mang thai hộ
Điều kiện để bệnh viện được phép thực hiện mang thai hộ:
Theo quy định tại khoản 3 Điều 1 Nghị định số 98/2016/NĐ-CP, các bệnh viện như Phụ sản Trung ương, Đa khoa Trung ương Huế, Từ Dũ TP. Hồ Chí Minh… được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo. Ngoài ra, các bệnh viện khác phải đáp ứng yêu cầu:
- Có ít nhất 02 năm kinh nghiệm thực hiện kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm kể từ ngày được Bộ Y tế cho phép;
- Tổng số chu kỳ thụ tinh trong ống nghiệm tối thiểu là 1000 chu kỳ mỗi năm trong 02 năm.
Trình tự, thủ tục tiến hành mang thai hộ
Hồ sơ cần chuẩn bị
Để nhờ mang thai hộ thì cần phải chuẩn bị đầy đủ các hồ sơ, giấy tờ sau:
Vợ chồng nhờ mang thai hộ
- Đơn đề nghị được thực hiện kỹ thuật mang thai hộ;
- Bản xác nhận tình trạng chưa có con chung của vợ chồng;
- Bản xác nhận người vợ có bệnh lý, mang thai thì sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng của người mẹ, thai nhi và người mẹ không thể mang thai, sinh con ngay cả khi áp dụng kỹ thuật hỗ trợ sinh sản;
Người phụ nữ mang thai hộ
- Bản cam kết tự nguyện mang thai hộ vì mục đích nhân đạo;
- Bản cam đoan của người mang thai hộ là chưa mang thai hộ lần nào;
- Bản xác nhận về khả năng mang thai, đáp ứng quy định đối với người nhận phôi và đã từng sinh con;
- Bản xác nhận của chồng người mang thai hộ (trường hợp người phụ nữ mang thai hộ có chồng) về việc đồng ý cho mang thai hộ.
Ngoài ra, cả hai bên còn phải cung cấp các giấy tờ sau:
- Hồ sơ, giấy tờ chứng minh mối quan hệ thân thích cùng hàng;
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về y tế của bác sỹ sản khoa;
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về tâm lý của người có trình độ đại học chuyên khoa tâm lý trở lên;
- Bản xác nhận nội dung tư vấn về pháp luật của luật sư hoặc luật gia hoặc người trợ giúp pháp lý;
- Bản thỏa thuận về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giữa vợ chồng nhờ mang thai hộ và bên mang thai hộ.
Tham khảo: Thỏa thuận mang thai hộ
Các bước tiến hành mang thai hộ
Bước 1: Cặp vợ chồng nhờ mang thai hộ gửi hồ sơ đề nghị thực hiện kỹ thuật mang thai hộ vì mục đích nhân đạo đến cơ sở khám chữa bệnh được phép thực hiện kỹ thuật này.
Bước 2: Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ, cơ sở được phép thực hiện kỹ thuật mang thai hộ phải có kế hoạch điều trị để thực hiện kỹ thuật mang thai hộ.
Trong trường hợp không thực hiện được thì phải trả lời bằng văn bản, đồng thời nêu rõ lý do.
Các khoản chi phí cần trả khi nhờ mang thai hộ
Theo khoản 1 Điều 3 Thông tư số 32/2016/TT-BYT, các chi phí bắt buộc bên nhờ mang thai hộ phải chi trả gồm:
- Chi phí đi lại;
- Chi phí liên quan đến y tế: Thực hiện dịch vụ tư vấn, khám chữa bệnh; các loại thuốc, máu, dịch truyền, hóa chất…
- Chi phí dinh dưỡng để bảo đảm sức khỏe cho người mang thai hộ, chi phí vật dụng chăm sóc vệ sinh cá nhân trước, trong và sau sinh cho người mang thai hộ theo thỏa thuận…
Những chi phí này theo thỏa thuận của các bên hoặc theo hóa đơn (nếu có) hoặc giấy biên nhận.
Tìm hiểu thêm các nội dung liên quan tại: Luật Hôn nhân gia đình mới nhất
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.