Hủy việc kết hôn trái pháp luật và hậu quả pháp lý của hủy việc kết hôn trái pháp luật

0
57
1/5 - (2 bình chọn)

Hủy việc kết hôn trái pháp luật là việc Tòa án có thẩm quyền tuyên bố việc kết hôn là trái pháp luật và quyết định những người kết hôn phải chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật. Vậy hậu quả pháp lý của việc Tòa án tuyên bố việc kết hôn là trái pháp luật và quyết định những những người kết hôn phải chấm dứt quan hệ hôn nhân trái pháp luật được quy định như thế nào?

1- Kết hôn trái pháp luật là gì? 

Theo quy định tại Khoản 6 Điều 3 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

“Kết hôn trái pháp luật là việc nam, nữ đã đăng ký kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhưng một bên hoặc cả hai bên vi phạm điều kiện kết hôn.”

Như vậy, kết hôn trái pháp luật là khi hai bên nam nữ đã đăng ký kết hôn theo đúng quy định của pháp luật nhưng không tuân thủ một trong các điều kiện kết hôn luật định. Điều kiện kết hôn được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014

“1. Nam, nữ kết hôn với nhau phải tuân theo các điều kiện sau đây:

a) Nam từ đủ 20 tuổi trở lên, nữ từ đủ 18 tuổi trở lên;

b) Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định;

c) Không bị mất năng lực hành vi dân sự;

d) Việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn theo quy định tại các điểm a, b, c và d khoản 2 Điều 5 của Luật này.”

Còn trường hợp  hai bên nam nữ không đăng ký kết hôn nhưng vi phạm điều kiện kết hôn hoặc trường hợp đăng ký kết hôn không đúng thẩm quyền cũng là việc vi phạm pháp luật trong lĩnh vực kết hôn nhưng không được xác định là kết hôn trái pháp luật. Việc phân biệt này có ý nghĩa trong việc lựa chọn hình thức xử lý đối với từng trường hợp vi phạm.

2 – Hủy việc kết hôn trái pháp luật là gì?

Kết hôn trái pháp luật ảnh hưởng đến lợi ích của người kết hôn, lợi ích của gia đình và xã hội. Vì thế, cần phải có những biện pháp xử lý đối với hành vi vi phạm góp phần đảm bảo cho các điều kiện kết hôn được tuân thủ một cách chặt chẽ. Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014, kết hôn trái pháp luật sẽ bị xử hủy.

Hủy việc kết hôn trải pháp luật là biện pháp chế tài được áp dụng đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật, thể hiện thải độ của Nhà nước về việc không thừa nhận giá trị pháp lý của quan hệ hôn nhân.

Theo quy định của pháp luật, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật. Khi Tòa án ra quyết định hủy việc kết hôn trái pháp luật thì Giấy chứng nhận kết hôn mà hai bên được cấp trước đó không có giá trị pháp lý. Do đó, hai bên nam nữ không phải là vợ chồng của nhau, họ buộc phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng trái pháp luật. Vì vậy, Tòa án phải gửi cho cơ quan đã thực hiện việc đăng ký kết hôn cho hai bên nam nữ bản sao quyết định của Tòa án về hủy việc kết hôn trái pháp luật để cơ quan này ghi vào Sổ hộ tịch.

3 – Căn cứ để hủy kết hôn trái pháp luật 

Tòa án khi xem xét yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cần dựa trên những căn cứ sau: 

– Chưa đủ tuổi kết hôn: nam chưa đủ 20 tuổi hoặc nữ chưa đủ 18 tuổi;

– Việc kết hôn do nam và nữ không đảm bảo tính tự nguyện;

– Một trong hai người bị mất năng lực hành vi dân sự;

– Kết hôn giả tạo. Trong đó kết hôn giả tạo được hiểu là việc lợi dụng kết hôn để xuất cảnh, nhập cảnh, cư trú, nhập quốc tịch Việt Nam, quốc tịch nước ngoài; hưởng chế độ ưu đãi của Nhà nước hoặc để đạt được mục đích khác mà không nhằm mục đích xây dựng gia đình:

– Tảo hôn, cưỡng ép kết hôn, lừa dối kết hôn;

– Người đang có vợ, có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người khác hoặc chưa có vợ, chưa có chồng mà kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng với người đang có chồng, có vợ;

– Kết hôn hoặc chung sống như vợ chồng giữa những người cùng dòng máu về trực hệ; giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, cha chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể, cha dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng;

Như vậy, nếu vi phạm một trong các điều nêu trên, thì việc kết hôn trái pháp luật sẽ bị hủy theo quy định của pháp luật.

Luật Hôn nhân và Gia đình

4 – Chủ thể có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

Theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự, Tòa án là cơ quan có thẩm quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nhưng, Tòa án chỉ giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật khi có đơn khởi kiện của cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật. Theo quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì những chủ thể sau có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật

“1. Người bị cưỡng ép kết hôn, bị lừa dối kết hôn theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền tự mình yêu cầu hoặc đề nghị cá nhân, tổ chức quy định tại Khoản 2 Điều này yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do việc kết hôn vi phạm quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 8 của Luật này.

2. Cá nhân, cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật do vi phạm quy định tại các Điểm  a, c và d Khoản 1 Điều 8 của Luật này:

a) Vợ, chồng của người đang có chồng, có vợ mà kết hôn với người khác; cha, mẹ, con, người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật khác của người kết hôn trái pháp luật;

b) Cơ quan quản lý nhà nước về gia đình;

c) Cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em;

d) Hội liên hiệp phụ nữ.”

Như vậy, người có quyền yêu cầu không chỉ là cá nhân mà còn là các cơ quan, tổ chức thực hiện quyền yêu cầu với tư cách là người phản biện xã hội, phát hiện và yêu cầu xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về kết hôn. Quy định này rất phù hợp với thực tế xã hội hiện nay bởi nhiều người có quyền yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật sẽ hạn chế được tình trạng che giấu hành vi vi phạm, góp phần phòng ngừa vi phạm, bảo vệ quyên và lợi ích của cá nhân, gia đình và xã hội.

5 – Hậu quả pháp lý của hủy việc kết hôn trái pháp luật

Theo Điều 12 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, khi giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật, Tòa án phải giải quyết các vấn đề sau:

– Về quan hệ nhân thân:

Theo quy định của pháp Luật Hôn nhân và gia đình về nguyên tắc, Nhà nước không thừa nhận hai người kết hôn trái pháp luật là vợ chồng. Vì vậy, giữa họ cũng không tồn tại quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Kể từ ngày quyết định của Tòa án về việc hủy kết hôn trái pháp luật có hiệu lực pháp luật, hai bên kết hôn phải chấm dứt việc quan hệ như vợ chồng.

– Về quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai bên kết hôn trái pháp luật:

Vì việc kết hôn trái pháp luật bị xử hủy nên hai người không được thừa nhận là vợ chồng, giữa họ không phát sinh các quyền và nghĩa vụ giữa vợ và chồng. Do vậy, khi giải quyết hủy việc kết hôn trái pháp luật, quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai người kết hôn trái pháp luật được giải quyết như trường hợp các bên nam, nữ chung sống với nhau như vợ chồng.

Theo quy định tại Điều 16 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 thì quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng được giải quyết theo thỏa thuận giữa các bên, trong trường hợp các bên không có thỏa thuận thì giải quyết theo quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Như vậy, đối với vấn đề tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng giữa hai bên kết hôn trái pháp luật trước tiên, Tòa án đề cao sự thỏa thuận của hai bên kết hôn trái pháp luật. Tòa án chỉ xem xét giải quyết khi hai bên không thỏa thuận được và có yêu cầu. Căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự và các quy định pháp luật có liên quan, Tòa án giải quyết theo nguyên tắc: Tài sản riêng của mỗi bên sẽ thuộc về người đó nhưng người có tài sản riêng phải chứng minh được đó là tài sản riêng của mình. Nếu người có tài sản riêng không chứng minh được, đó là tài sản riêng của họ thì tài sản này được xác định là tài sản chung của hai người. Tài sản chung của hai người được chia căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên. Khi chia phải đảm bảo quyền, lợi ích họp pháp của phụ nữ và con; công việc nội trợ và công việc khác có liên quan để duy trì cuộc sống chung được coi như lao động có thu nhập.

Như vậy, việc giải quyết quan hệ tài sản, nghĩa vụ và hợp đồng đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thể hiện rõ tính chất chế tài trong việc xử hủy việc kết hôn trái pháp luật. Hai người kết hôn trái pháp luật phải chấp nhận những hậu quả bất lợi nhất định về việc giải quyết vấn đề tài sản bởi vì họ không được thừa nhận là vợ chồng.

– Quyền và nghĩa vụ giữa cha, mẹ, con

Việc Tòa án hủy việc kết hôn trái pháp luật không làm ảnh hưởng đến quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con. Bởi vì, quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con được pháp luật quy định không phụ thuộc vào tính hợp pháp của quan hệ hôn nhân giữa cha mẹ. Dù quan hệ hôn nhân của cha mẹ không được Nhà nước thừa nhận thì quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con vẫn được pháp luật bảo vệ như trường hợp cha mẹ có quan hệ hôn nhân hợp pháp. Vì vậy, khi hủy việc kết hôn trái pháp luật, các vấn đề liên quan đến con chung của hai người kết hôn trái pháp luật được giải quyết giống như khi vợ chồng ly hôn. Do đó, Tòa án phải căn cứ vào các Điều 81, 82, 83 và 84 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 để xem xét và quyết định về việc trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con.

6 – Cơ quan có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật và xử lý đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật

Căn cứ tại Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, cơ quan có thẩm quyền hủy kết hôn trái pháp luật là Tòa án nhân dân cấp huyện. Đối với quan hệ hôn nhân có yếu tố nước ngoài thì cơ quan có thẩm quyền là Tòa án nhân dân cấp tỉnh.

Theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014, về nguyên tắc Tòa án nhân dân có quyền hủy việc kết hôn trái pháp luật khi có yêu cầu. Tuy nhiên, hủy việc kết hôn trái pháp luật mang lại những hậu quả bất lợi-đối với bản thân người kết hôn. Do đó, xử lý việc kết hôn trái pháp luật cần phải được cân nhắc một cách thận trọng. Theo Khoản 2 Điều 11 Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2014 thì tại thời điểm Tòa án giải quyết yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật, nếu hai bên đều đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật và yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân thì Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân. Trường họp này quan hệ hôn nhân chỉ được xác lập kể từ thời điểm các bên có đủ điều kiện kết hôn. Theo quy định của pháp luật, bản sao quyết định này cũng phải gửi cho cơ quan thực hiện việc đăng ký kết hôn để ghi vào Sổ hộ tịch.

Như vậy, việc công nhận quan hệ hôn nhân chỉ được đật ra đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật khi tại thời điểm có yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật cả hai bên đều đã đủ điều kiện kết hôn luật định và cả hai bên đều yêu cầu công nhận quan hệ hôn nhân cho họ. Có thể xác định đây là hai điều kiện cần và đủ để Tòa án công nhận hôn nhân đối với trường hợp kết hôn trái pháp luật. Từ sự phân tích trên đây, có thể rút ra các trường hợp Tòa án ra quyết định xử hủy việc kết hôn trái pháp luật gồm:

– Trường hợp tại thời điểm yêu cầu hủy việc kết hôn trái pháp luật mà một bên hoặc cả hai bên vẫn vi phạm điều kiện kết hôn;

– Trường hợp tại thời điểm có yêu cầu cả hai bên đã đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng một hoặc cả hai bên không yêu cầu Tòa án công nhận quan hệ hôn nhân.

Như vậy, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014, xử lý việc kết hôn trái pháp luật mặc dù thể hiện rõ tính chất chế tài nhưng cũng có những điểm linh hoạt, phù hợp với thực tiễn xử lý việc kết hôn trái pháp luật. Bởi vì, suy cho cùng khi tính chất nguy hiểm của hành vi vi phạm không còn nữa thì việc không áp dụng biện pháp xử hủy là phù hợp.

Xử lý việc kết hôn trái pháp luật theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 sẽ được áp dụng để xử lý đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật xác lập từ ngày 01/01/2015 (ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 có hiệu lực pháp luật). Các trường hợp kết hôn trái pháp luật xảy ra trước ngày 01/01/2015 theo quy định tại Điều 131 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 sẽ áp dụng pháp luật tại thời điểm xác lập để giải quyết. Như vậy, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và các vãn bản hướng dẫn thi hành, áp dụng Luật này vẫn được áp dụng để giải quyết đối với các trường hợp kết hôn trái pháp luật xác lập trước ngày 01/01/2015.

Giấy đăng ký kết hôn không có chữ ký thì có hợp pháp hay không?

7 – Thủ tục yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật

Căn cứ tại Điều 3 Thông tư liên tịch 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP, sau khi chuẩn bị đủ hồ sơ yêu cầu ở trên, người có yêu cầu sẽ tiến hành nộp hồ sơ. Khi nhận được hồ sơ thì Tòa án có thẩm quyền tiến hành thụ lý giải quyết:

– Hai bên đăng ký kết hôn đúng cơ quan có thẩm quyền thì Tòa án tiến hành hủy kết hôn trái pháp luật.

– Nếu đăng ký không đúng cơ quan có thẩm quyền thì Tòa án sẽ xử lý theo Khoản 3,4 Điều 3 Thông tư liên tịch này: tuyên bố không công nhận quan hệ hôn nhân giữa họ

* Hồ sơ yêu cầu hủy kết hôn trái pháp luật:

Kèm theo đơn yêu cầu, người yêu cầu phải nộp các loại giấy tờ sau:

  • Giấy chứng nhận kết hôn đối với cá nhân quy định tại Khoản 1 Điều 10 của Luật hôn nhân và gia đình
  • Hoặc giấy tờ, tài liệu khác chứng minh đã đăng ký kết hôn;
  • Tài liệu, chứng cứ chứng minh việc kết hôn vi phạm điều kiện kết hôn quy định tại Điều 8 của Luật hôn nhân và gia đình.

Trường hợp vợ chồng có đăng ký kết hôn nhưng không cung cấp được Giấy chứng nhận kết hôn do bị thất lạc thì phải có xác nhận của Ủy ban nhân dân đã cấp Giấy chứng nhận kết hôn

Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
(i) Bài viết trong lĩnh vực nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
(ii) Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
(iii) Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: (024) 66 527 527, E-mail: info@everest.org.vn…

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here