Chế độ tài sản của vợ chồng là toàn bộ những quy định về việc xác định tài sản chung, tài sản riêng của vợ, tài sản riêng của chồng, quyền, và nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và việc phân chia tài sản. Nó đã xuất hiện trong pháp luật nước ta từ rất lâu trước đây. Bài viết sẽ phân tích những đặc điểm của chế độ này qua từng thời kỳ lịch sử.
- Chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật thời kỳ phong kiến
Trong giai đoạn này có hai bộ luật tiêu biểu là Quốc triều hình luật (1483) và Hoàng Việt luật lệ (1815): Quốc triều hình luật được đánh giá là Bộ luật có phát triển tiến bộ hơn, nổi bật là các quy định về hôn nhân gia đình, Quốc triều hình luật quy định có hai hình thức là hứa hôn – nghĩa vụ; có chế độ chia tài sản giữa vợ – chồng (Điều 374 – Điều 376) và người vợ được sở hữu tài sản như người chồng. Còn Hoàng Việt luật lệ quy định hôn nhân phải được hai gia đình đồng ý, hình thức hôn thư – sính lễ; quy định các trường hợp kết hôn – ly hôn; không có chế độ chia tài sản giữa vợ – chồng.
Trong xã hội phong kiến tồn tại nhiều tư tưởng lạc hậu, người phụ nữ thường có thân phận thấp kém. Nhưng tại thời điểm đó Quốc triều hình luật đã có cách nhìn nhận mới mẻ, những tư tưởng vượt lên trên thời đại, thể hiện ở việc bảo vệ người phụ nữ không chỉ trong hôn nhân, gia đình hay việc có tài sản riêng của mình mà còn trong nhiều lĩnh vực xã hội khác. Ví dụ như người vợ có quyền có tài sản riêng, hay khi bán tài sản phải có đủ chữ kí của vợ và chồng. Quốc triều hình luật đã ghi nhận sự bình đẳng tương đối về tài sản giữa người vợ và người chồng trong khối tài sản chung, trong việc hưởng tài sản thừa kế.
Như vậy có thể thấy, trong thời kỳ phong kiến, Bộ luật Hồng Đức và Bộ luật Gia Long đã ghi nhận chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật.
2. Chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật thời kỳ Pháp thuộc
Ở thời kì này, đất nước bị chia thành ba miền và áp dụng các bộ luật riêng để điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình. Miền Bắc áp dụng Dân luật Bắc kỳ năm 1931, miền Trung thi hành Dân luật Trung kỳ năm 1936 và miền Nam ban hành tập Dân luật giản yếu Nam kỳ năm 1883.
Dân luật Bắc kỳ, Dân luật Trung kỳ có ghi nhận hôn ước trong khi tập Dân luật giản yếu Nam kỳ không có ghi nhận về hôn ước cũng như vấn đề tài sản vợ chồng. Bộ Dân luật Bắc kỳ năm 1931, Bộ Dân luật Trung Kì năm 1936 có ghi nhận: Cho phép hai bên ký kết hôn ước trước khi kết hôn ; hôn ước chỉ có hiệu lực “khi hai bên kết lập giá thú với nhau và hôn ước không thể bị thay đổi trong thời kỳ hôn nhân của vợ chồng”. Hôn ước phải lập bằng văn bản và được xác nhận bởi công chứng viên hoặc lý trưởng; hôn ước phải lập trước khi kết hôn và không thể thay đổi trong suốt thời kỳ hôn nhân. Những quy định về hôn ước ở Dân luật Trung kỳ cũng có cách sắp xếp như nội dung bộ Dân luật Bắc kỳ, điều này thể hiện ở điểm Điều 102 và 103 của Dân luật Trung kỳ có nội dung như Điều 104 và 105 Dân luật Bắc kỳ.
3. Chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật từ năm 1945 đến trước ngày 01/01/2015
Ngay sau Cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, do điều kiện lịch sử xã hội, cách mạng Việt Nam phải đối phó với thù trong giặc ngoài, vì vậy Nhà nước ta chưa thể ban hành ngay một hệ thống pháp luật hoàn chỉnh. Các quan hệ dân luật và hôn nhân và gia đình từ năm 1945 ” 1950 vẫn tạm thời được điều chỉnh bởi ba văn bản luật: Dân luật Bắc kỳ, Dân luật Trung kỳ, Dân luật giản yếu Nam kỳ theo sắc lệnh số 47-SL ngày 10/10/1945 của Chủ tịch Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hòa với điều kiện không trái với nền độc lập của nước Việt Nam và chính thể Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa và lợi ích của nhân dân lao động.
Năm 1950, yêu cầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đòi hỏi cần phải xóa bỏ, hạn chế ảnh hưởng của chế độ hôn nhân và gia đình thực dân, phong kiến lạc hậu. Nhà nước ta đã ban hành hai sắc lệnh đầu tiên quy định điều chỉnh một số quan hệ hôn nhân và gia đình. Trong đó có sắc lệnh số 97/SL ngày 22/5/1950 của Chủ tịch nước Việt Nam dân chủ cộng hòa về sửa đổi một số quy lệ và chế định trong dân luật, sắc lệnh gồm có 8 điều quy định về hồn nhân và gia đình và 5 điều quy định về các nguyên tắc cơ bản của pháp luật dân sự (cho đến nay các nguyên tắc này vẫn được kế thừa và phát triển trong hệ thống pháp luật hôn nhân và gia đình và pháp luật dân sự của Nhà nước ta).
Mặc dù chế độ tài sản của vợ chồng chưa được dự liệu cụ thể, song, dựa trên Điều 9 Hiến pháp năm 1946 – văn bản pháp luật có hiệu lực cao nhất của Nhà nước ta đã ghi nhận: “đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện ”; Điều 5 sắc lệnh số 97/SL quy định: “chồng và vợ có địa vị bình đẳng trong gia đìnhvà “người đàn bà có chồng có toàn năng lực về mặt hộ” (Điều 6). Như vậy, theo các quy định này, lần đầu tiên quyền gia trưởng của người chồng bị xóa bỏ, quan hệ nam nữ, vợ chồng bình đẳng về mọi mặt (trong đó có quyền bình đẳng về tài sản trong gia đình của vợ chồng) đã được thiết lập. Quy định mang tính nguyên tắc này đã thế hiện bản chất của nền pháp chế mới dân chủ, tiến bộ hơn hắn so với hệ thống pháp luật dưới thời thực dân, phong kiến ở nước ta.
- Luật gia đình năm 1959
Ở miền Nam, Luật gia đình 1959 công nhận sự thỏa thuận của vợ chồng về tài sản.
Điều 45 Luật gia đình 1959 quy định: “Luật lệ chỉ quy định phu phụ tài sản khi nào vợ chồng không có lập hôn ước mà họ muốn làm ra sao cũng được miễn là không trái với phong hóa, trật tự công và quyền lợi của con”. Như vậy, chỉ khi vợ chồng không lập hôn ước thì luật mới can thiệp vào chế độ tài sản vợ chồng
Điều 46 Luật gia đình 1959 quy định: “Hôn ước phải làm bằng chứng thư trước mặt trưởng khế hay một viên chức có thẩm quyền thị thực”. Hôn ước phải được lập trước khi kết hôn và được ghi vào trong giấy giá thú. Sự vô hiệu của hôn ước được quy định trong Luật gia đình 1959: các điều kiện về nội dung và hình thức không được đảm bảo thì hôn ước sẽ vô hiệu và khi đó chế độ tài sản của vợ chồng sẽ là chế độ tài sản pháp định; sự vô hiệu của hôn ước không ảnh hưởng tới việc kết hôn nhưng nếu việc kết hôn bị vô hiệu thì đương nhiên hôn ước cũng vô hiệu, hôn ước không thể được sửa đổi và chỉ có hiệu lực trong thời kì hôn nhân
- Luật Hôn nhân và gia đình 1986
Vợ chồng không được thỏa thuận bất cứ vấn đề gì về sở hữu tài sản ngoại trừ trường hợp nhập tài sản riêng có trước hoặc trong thời kỳ hôn nhân thành tài sản chung. Luật Hôn nhân và gia đình 1986 chỉ quy định một hình thức là chế độ tài sản pháp định. Vì vậy, mọi thỏa thuận của vợ và chồng về tài sản đều coi là vô hiệu.
- Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000
Chế độ “cộng đồng tài sản” là chế độ tài sản của vợ chồng được quy định trong luật này. Luật quy định về căn cứ, nguồn gốc xác lập các loại tài sản chung, tài sản riêng của vợ, chồng; quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với các loại tài sản đó; các trường hợp và nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng…
- Luật Hôn nhân và Gia đình 2014
Theo thời gian, xã hội luôn có sự thay đổi không ngừng, vì vậy mà pháp luật cũng có những điều chỉnh để bắt kịp với những quan hệ xã hội mới phát sinh. Quy định về chế độ tài sản giữa vợ, chồng có sự đổi mới tích cực: có thể kể đến Điều 28 về chế độ tài sản trong luật mới vừa thừa nhận chế độ tài sản chung giữa vợ và chồng theo luật định, đồng thời công nhận chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng (quy định cụ thể tại các Điều 47, 48, 49, 50 và 59 của Luật này) Chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ và chồng phải lập trước khi kết hôn và bằng hình thức văn bản có công chứng hoặc chứng thực. Nội dung cơ bản của thỏa thuận có thể kể đến như: “Tài sản được xác định là tài sản chung, tài sản riêng của vợ chồng; quyền, nghĩa vụ của vợ chồng đối với tài sản chung, tài sản riêng và giao dịch có liên quan, tài sản để bảo đảm nhu cầu thiết yếu của gia đình; điều kiện, thủ tục và nguyên tắc phân chia tài sản khi chấm dứt chế độ tài sản…”. Thỏa thuận này vẫn có thể được sửa đổi, bổ sung sau khi kết hôn. Quy định mới này là một sự tiến bộ, thể hiện sự bình đẳng giữa vợ và chồng cũng như tạo thuận lợi cho Tòa án khi giải quyết ly hôn, đặc biệt là trong xã hội ngày nay các trường hợp ly hôn đang có xu hướng tăng.