Lịch sử phát triển của chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng tại một số nước trên thế giới

0
8
Rate this post

Mỗi quốc gia, đều những quy định pháp luật khác nhau về chế độ tài sản của vợ chồng. Tùy vào sự khác biệt về bối cảnh lịch sử, văn hoá, truyền thống, trình độ phát triển, chính sách của nhà nước, v.v mà pháp luật về chế độ tài sản của vợ chồng của các quốc gia trên thế giới có những quy định khác nhau. Dẫu vậy, về cơ bản, ta có thể xác định chế độ tài sản của vợ chồng dựa trên hai căn cứ: Chế độ tài sản theo thỏa thuận hay chế độ tài sản ước định hay hôn ước (sự thỏa thuận bằng văn bản của vợ chồng) và chế độ tài sản theo luật định hay chế độ tài sản pháp định (theo các quy định của pháp luật). 

Xem thêm tại: https://everest.org.vn/hop-dong-hon-nhan/ 

 

1.Chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng tại Pháp

Pháp luật nước Pháp về hôn nhân và gia đình thường đề cao quyền tự do cá nhân, tự do thỏa thuận và quyền tự định đoạt về tài sản của vợ chồng trong quan hệ hôn nhân và gia đình. Điều 1387 Bộ luật dân sự Pháp quy định “Pháp luật chỉ điều chỉnh quan hệ tài sản giữa vợ và chồng khi mà giữa họ không có thỏa thuận riêng, miễn là các thỏa thuận đó không trái với thuần phong mĩ tục hoặc với các quy định sau đây”. Về nội dung của thỏa thuận: pháp luật của Pháp cho phép vợ chồng lựa chọn chế độ tài sản chung và chế độ tài sản riêng

Về hình thức thỏa thuận điều 1394 Bộ luật Dân sự Pháp có quy định “Tất cả hợp đồng hôn nhân sẽ được soạn thảo bằng văn bản công chứng lập bởi công chứng viên với sự hiện diện và sự đồng ý của tất cả các bên của hợp đồng hoặc người được ủy quyền. Khi lập hôn ước, công chứng viên cấp cho các bên giấy chứng nhận có ghi rõ họ tên, nơi cư trú của công chứng viên, tư cách và nơi ở của các bên kết hôn, ngày lập hôn ước, trong giấy chứng nhận cũng phải ghi rõ là phải nộp giấy này cho viên chức hộ tịch trước khi đăng ký kết hôn. Để đảm bảo quyền lợi cho người thứ ba trong giao dịch với vợ chồng, việc lập hôn ước có thể được ghi trong giấy đăng ký kết hôn hoặc ghi rõ trong các văn bản giao dịch với người thứ ba nếu không thì khi giao dịch với người thứ ba vợ chồng được coi như kết hôn theo chế độ pháp lý chung”

Về hiệu lực của hợp đồng hôn nhân, điều 1395 Bộ luật dân sự Pháp quy định: “Hợp đồng hôn nhân phải được soạn thảo trước khi kết hôn và không có hiệu lực cho đến ngày kết hôn”.

Về việc sửa đổi nội dung thỏa thuận: hôn ước có thể được sửa đổi trước hoặc sau khi kết hôn như theo Bộ luật Dân sự Pháp quy định ở điều 1396 về việc sửa đổi thỏa thuận về tài sản vợ chồng trước khi kết hôn và ở điều 1397 về việc sửa đổi thỏa thuận về tài sản vợ chồng trước khi kết hôn

2. Chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng tại Nhật Bản

Nhật Bản là một đất nước đặt nặng về truyền thống cộng đồng và gia đình nhưng lại có quy định về chế độ thỏa thuận giữa vợ chồng đối với tài sản (hay còn gọi là chế độ hôn ước) khá sớm.

Về việc ghi nhận quyền được lập hôn ước của các cặp vợ chồng: nội dung này được quy định tại Điều 755 Bộ luật dân sự: “Các quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng sẽ được tuân theo các quy định dưới đây nếu như vợ chồng không ký vào một hợp đồng quy định trước về tài sản của họ trước khi đăng ký kết hôn.”. Theo như tinh thần của điều 755 thì vợ chồng có thể lựa chọn giữa chế độ tài sản pháp định hoặc chế độ tài sản theo thỏa thuận.

Về nội dung hôn ước: được quy định tại Điều 756 Bộ luật dân sự: “Nếu vợ chồng có một thỏa thuận về tài sản mà trong đó quy định khác với chế độ tài sản pháp định thì hôn ước này không được chống lại người thừa kế hàng thứ nhất của vợ hoặc chồng hoặc người thứ ba trừ khi nó được đăng ký trước khi đăng ký kết hôn.

Về hình thức hôn ước: Đây là một nội dung khá quan trọng trong chế độ hôn ước. Điều này đã được thể hiện rõ ở việc nhà làm luật Nhật Bản đã dành riêng một văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh về hình thức của hôn ước và đăng ký hôn ước.

Về thay đổi, sửa đổi hôn ước, điều 761 Bộ luật Dân sự quy định “Hôn ước không thể thay đổi trong thời kỳ hôn nhân trừ khi vợ hoặc chồng là người quản lý tài sản mà có hành vi phá tán tài sản và để thay đổi hôn ước, các bên phải đệ đơn lên Tòa án”

3. Chế độ tài sản theo thỏa thuận của vợ chồng tại Thái Lan

Chế độ tài sản theo thỏa thuận được quy định trong phần tài sản vợ chồng từ Điều 1465 đến Điều 1493 trong Bộ luật Dân sự và Thương mại của Thái Lan. Bất cứ điều khoản nào trong thỏa thuận trước khi kết hôn (còn gọi là thỏa thuận tiền hôn nhân) trái với trật tự công cộng hoặc phong tục đạo đức tốt đẹp của xã hội, hoặc chỉ ra rằng mối quan hệ tài sản giữa họ sẽ được điều chỉnh bởi pháp luật nước ngoài thì thỏa thuận đó sẽ không có hiệu lực”

Những trường hợp văn bản thỏa thuận tài sản của vợ chồng sẽ không phát sinh hiệu lực được quy định tại điều 1466 Bộ luật Dân sự và Thương mại:

Các thỏa thuận tiền hôn nhân là không có giá trị nếu rơi vào một trong các trường hợp sau:

(i) Không được xuất trình với cơ quan đăng ký kết hôn tại thời điểm đăng ký kết hôn;

(ii) Không được thực hiện bằng văn bản, có chữ ký của cả hai vợ chồng và ít nhất hai người làm chứng;

(iii) Không được đưa vào đăng ký kết hôn tại thời điểm đăng ký kết hôn với tư cách là một phần phụ lục của đăng ký kết hôn”

Về sửa đổi, bổ sung nội dung của văn bản thỏa thuận chế độ tài sản của vợ chồng, Điều 1467 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan quy định: “Sau khi kết hôn, bản thỏa thuận trước khi thành hôn không thể bị sửa đổi, trừ trường hợp Tòa án cho phép. Khi có quyết định cuối cùng của Tòa án cho phép tiến hành sửa đổi hoặc hủy bỏ bản thỏa thuận trước khi thành hôn, thì Tòa án phải thông báo cho viên chức đăng ký kết hôn nội dung quyết định đó để ghi nội dung đó vào Sổ đăng ký kết hôn”. Điều 1469 Bộ luật Dân sự và Thương mại Thái Lan còn quy định “Bất cứ một thỏa thuận nào giữa vợ chồng trong thời gian hôn nhân cũng có thể bị vợ hoặc chồng bác bỏ bất cứ lúc nào trong thời gian hôn nhân đó hoặc trong vòng một năm kể từ ngày hủy bỏ cuộc hôn nhân, với điều kiện là điều đó không ảnh hưởng gì đến quyền của người thứ ba hành động có thiện chí”.

Như vậy, chế độ tài sản của vợ chồng trong pháp luật ở một số quốc gia trên thế giới đã xuất hiện từ lâu và được quy định vô cùng rõ ràng hình thức, nội dung, hiệu lực của loại thỏa thuận này. Điều này cho thấy pháp luật dù là ở quốc gia phương Tây có tính dân chủ cao hay là một quốc gia phương Đông truyền thống thì mối quan hệ vợ chồng luôn được coi trọng và đặc biệt chú trọng đến tính hòa hợp giữa hai bên về mọi mặt đặc biệt là quan hệ về tài sản. 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here