Một trong những vấn đề rắc rối nhất khi ly hôn là việc phân chia tài sản giữa vợ và chồng.Hầu hết mọi người không hiểu tài sản chung là gì? Chia tài sản chung như thế nào? Hai vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân được không? Luật chia tài sản khi ly hôn như thế nào? Chia tài sản sau ly hôn cho con thế nào?
Tài sản chung của vợ chồng là gì?
Mục lục bài viết
Theo Điều 33 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 thì tài sản chung của vợ chồng được quy định như sau:
Tài sản chung của vợ chồng gồm tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân; tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được tặng cho chung và tài sản khác mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung.
Quyền sử dụng đất mà vợ, chồng có được sau khi kết hôn là tài sản chung của vợ chồng, trừ trường hợp vợ hoặc chồng được thừa kế riêng, được tặng cho riêng hoặc có được thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung hợp nhất, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Tìm hiểu thêm: Sau khi ly hôn có chia tài sản chung được không?
Tài sản riêng của vợ chồng là gì?
Theo Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 thì tài sản riêng của vợ chồng được quy định như sau:
Tài sản riêng của vợ, chồng gồm tài sản mà mỗi người có trước khi kết hôn; tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân; tài sản được chia riêng cho vợ, chồng; tài sản phục vụ nhu cầu thiết yếu của vợ, chồng và tài sản khác mà theo quy định của pháp luật thuộc sở hữu riêng của vợ, chồng.
Nguyên tắc chia tài sản khi ly hôn
Nguyên tắc tôn trọng sự thỏa thuận của vợ chồng
Nguyên tắc đầu tiên trong việc chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn chính là sự thoả thuận. Vợ chồng có thể thỏa thuận chia một phần hoặc toàn bộ khối tài sản chung.
Trong trường hợp vợ chồng không tự thỏa thuận được với nhau thì yêu cầu Tòa án giải quyết theo các quy định pháp luật.
Nguyên tắc này có ý nghĩa rất lớn, nó không chỉ đảm bảo quyền tự do định đoạt đối với quyền sở hữu tài sản, đáp ứng nhu cầu của cá nhân vợ, chồng mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan Nhà nước trong việc giải quyết tranh chấp về tài sản của vợ chồng.
Nguyên tắc đảm bảo sự bình đẳng về quyền sở hữu tài sản của vợ chồng
Dựa trên nguyên tắc vợ, chồng có quyền bình đẳng trong việc hưởng các quyền dân sự nói chung và quyền sở hữu tài sản nói riêng, trong trường hợp không có thỏa thuận phân chia tài sản, khi ly hôn, tài sản chung của vợ chồng được chia theo nguyên tắc chia đôi.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc phân chia được công bằng, phù hợp thì pháp luật cũng quy định về các yếu tố cần được đảm bảo trong quá trình phân chia tài sản.
(i) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng: là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động tạo ra thu nhập sau khi ly hôn của vợ, chồng cũng như của các thành viên khác trong gia đình mà vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản theo quy định.
Bên gặp khó khăn hơn sau khi ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.
(ii) Công sức đóng góp của vợ, chồng vào việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung.
Sự đóng góp đó có thể trực tiếp bằng sức lao động hoặc tài sản mà người đó bỏ ra để tạo nên tài sản chung của vợ chồng như dùng tài sản riêng để sửa chữa, cải tạo, tu bổ làm tăng giá trị của tài sản chung, tài sản riêng của mỗi bên đem nhập vào khối tài sản chung của vợ chồng…
(iii) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp để các bên có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập là việc chia tài sản chung của vợ chồng phải bảo đảm cho vợ, chồng đang hoạt động nghề nghiệp được tiếp tục hành nghề; cho vợ, chồng đang hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục được sản xuất, kinh doanh để tạo thu nhập và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản chênh lệch.
Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên trong sản xuất, kinh doanh và hoạt động nghề nghiệp không được ảnh hưởng đến điều kiện sống tối thiểu của vợ, chồng và con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
(iv) Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng là lỗi của vợ hoặc chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng dẫn đến ly hôn. Lỗi ở đây có thể là không chăm lo làm ăn, cố tình tẩu tán tài sản, cờ bạc, rượu chè, có hành vi ngoại tình, bạo lực gia đình… mà các lỗi này là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn, nếu một bên có lỗi nhưng không phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến ly hôn thì không xem xét, đánh giá khi chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn.
Nguyên tắc tài sản chung của vợ chồng được chi bằng hiện vật hoặc chia theo giá trị được hưởng
Toà án phải chú trọng trong việc ưu tiên chia bằng hiện vật tương ứng, chỉ khi nào không thể chia bằng hiện vật thì mới tiến hành chia cho một bên nhận hiện vật và bên này có nghĩa vụ trích chia tương ứng giá trị bên kia được nhận.
Nguyên tắc bảo đảm quyền sở hữu tài sản riêng của vợ, chồng
Khoản 4 Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 quy định tài sản riêng của vợ, chồng thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ trường hợp tài sản riêng đã nhập vào tài sản chung.
Tuy nhiên, việc xác định tài sản riêng không đơn giản bởi lời khai của hai bên vợ, chồng không giống nhau.
Nguyên tắc bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình
Sau khi ly hôn người vợ được coi là phái yếu và con cái thường gặp nhiều khó khăn cả về vật chất lẫn tinh thần trong việc tổ chức lại và duy trì cuộc sống bình thường nên họ cần được bảo vệ và quan tâm.
Tim hiểu thêm: Vợ chồng sống chung với gia đình thì chia tài sản khi ly hôn thế nào?
Các loại tài sản nào không được chia khi ly hôn
Mặc dù có tài sản riêng và tài sản chung nhưng trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có nhiều cách chia tài sản khi ly hôn như có thể nhập tài sản riêng vào tài sản chung hoạc cũng có thể phân chia tài sản chung vợ chồng. Trong đó sau khi ly hôn, những tài sản không bị chia đôi gồm:
Tài sản theo thỏa thuận
Bởi việc phân chia tài sản sau khi ly hôn căn cứ trên nguyên tắc tự nguyện và thỏa thuận của hai bên được quy định tại Điều 59 Luật Hôn nhân và gia đình 2014. Khi đó, Tòa án căn cứ vào thỏa thuận của các bên để phân định tài sản cho mỗi bên.’
Nếu hai vợ chồng thỏa thuận được tài sản nào không phải chia đôi thì Tòa sẽ công nhận việc không chia đôi tài sản trong bản án. Ngược lại, với những tài sản chung khác, Tòa sẽ chia đôi sau khi tính đến các yếu tố:
(i) Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng;
(ii) Công sức đóng góp của vợ, chồng.
(iii) Bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên để có điều kiện tiếp tục lao động tạo thu nhập;
(iv) lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng.
Tài sản riêng của vợ chồng
Ngoài những tài sản không bị chia đôi do thỏa thuận thì tài sản riêng của vợ chồng sẽ không bị chia đôi. Theo Điều 11 Nghị định số 126/2014/NĐ-CP, các tài sản sau đây được coi là tài sản riêng và không bị chia đôi khi ly hôn:
(i) Quyền tài sản đối với đối tượng sở hữu trí tuệ
(ii) Tài sản mà vợ, chồng xác lập quyền sở hữu riêng theo bản án, quyết định của Tòa án hoặc cơ quan có thẩm quyền khác.
(iii) Khoản trợ cấp, ưu đãi mà vợ, chồng được nhận theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; quyền tài sản khác gắn liền với nhân thân của vợ, chồng.
Ngoài ra, Điều 43 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2014 cũng quy định các loại tài sản sau đây được coi là tài sản riêng của vợ, chồng:
(i) Tài sản có trước khi kết hôn;
(ii) Tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân;
(iii) Tài sản theo thỏa thuận là tài sản riêng.
Hồ sơ yêu cầu chia tài sản khi ly hôn
Đơn khởi kiện về việc phân chia tài sản chung sau khi ly hôn (mẫu đơn khởi kiện chia tài sản sau ly hôn);
Giấy chứng nhận đăng ký kết hôn (bản sao)
Chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu (bản sao)
Bản án/quyết định của Tòa án về việc ly hôn;
Giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản chung của vợ chồng;
Các tài liệu chứng cứ khác có liên quan
Trình tự yêu cầu chia tài sản khi ly hôn
Bước 1: Người khởi kiện nộp đơn khởi kiện đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết.
Bước 2: Tòa án xem xét đơn. Nếu đơn hợp lệ Tòa án ra thông báo đóng tiền tạm ứng án phí.
Người khởi kiện thực hiện nghĩa vụ đóng tạm ứng án phí ly hôn. Nộp biên nhận tạm ứng án phí đến Tòa án để Tòa tiến hành giải quyết vụ án. Án phí trong vụ án chia tài sản ly hôn được xác định theo giá trị tài sản quy định tại Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14.
Bước 3: Tòa án thụ lý vụ án. Xem xét, kiểm tra hồ sơ và tiến hành hòa giải.
Bước 4: Đưa vụ án ra xét xử sơ thẩm và phúc thẩm (nếu có).
Bản án/quyết định của Tòa án sẽ có hiệu lực pháp luật và quyền và nghĩa vụ của các bên trong tranh chấp sẽ phát sinh nếu quyết định/ban án không có kháng cáo/kháng nghị.
Thẩm quyền giải quyết của tòa án
Căn cứ quy định tại khoản 1 Điều 28 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 về những tranh chấp về hôn nhân và gia đình thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án:
“1. Ly hôn, tranh chấp về nuôi con, chia tài sản khi ly hôn; chia tài sản sau khi ly hôn”
Tại điểm a, Khoản 1, Điều 35 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án nhân dân cấp huyện:
“1. Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp sau đây:
a) Tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình quy định tại Điều 26 và Điều 28 của Bộ luật này, trừ tranh chấp quy định tại khoản 7 Điều 26 của Bộ luật này;”
Và Khoản 1, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 quy định về Thẩm quyền của Tòa án theo lãnh thổ:
“1. Thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự của Tòa án theo lãnh thổ được xác định như sau:
a) Tòa án nơi bị đơn cư trú, làm việc, nếu bị đơn là cá nhân hoặc nơi bị đơn có trụ sở, nếu bị đơn là cơ quan, tổ chức có thẩm quyền giải quyết theo thủ tục sơ thẩm những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các Điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này;
b) Các đương sự có quyền tự thỏa thuận với nhau bằng văn bản yêu cầu Tòa án nơi cư trú, làm việc của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cá nhân hoặc nơi có trụ sở của nguyên đơn, nếu nguyên đơn là cơ quan, tổ chức giải quyết những tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động quy định tại các điều 26, 28, 30 và 32 của Bộ luật này.
c) Đối tượng tranh chấp là bất động sản thì chỉ Tòa án nơi có bất động sản có thẩm quyền giải quyết”
Căn cứ vào quy định pháp luật trên thì:
– Nếu vợ chồng bạn ly hôn thuận tình, vợ chồng bạn có thể thỏa thuận với nhau về Tòa án nơi nộp đơn, có thể là Tòa án nơi bạn cư trú hoặc Tòa án nơi chồng bạn cư trú hoặc Tòa án nơi cả hai vợ chồng bạn cư trú.
– Nếu bạn ly hôn đơn phương thì bạn phải nộp đơn xin ly hôn tới Tòa án nhân dân quận/huyện nơi chồng bạn cư trú.
Ngoài ra theo điểm b khoản 1 Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 thì vợ chồng có thể thỏa thuận bằng văn bản yêu cầu Tòa án nhân dân cấp huyện nơi của nguyên đơn đang cư trú để yêu cầu giải quyết đơn ly hôn. Trường hợp có tranh chấp về bất động sản khi ly hôn thì tòa án có thẩm quyền giải quyết bắt buộc phải là tòa án nơi có bất động sản.
Có hợp đồng hôn nhân là lợi thể khi phân chia tài sản khi ly hôn
Hợp đồng hôn nhân bảo vệ lợi ích cá nhân của cả hai vợ chồng, đồng thời bảo đảm lợi ích chung của gia đình. Khi ký hợp đồng hôn nhân, cả hai vợ chồng được tự do thực hiện quyền sở hữu tài sản của cá nhân mình, đáp ứng tốt hơn nhu cầu của mình, đồng thời đảm bảo lợi ích chung của gia đình.
Có thể nói, hợp đồng hôn nhân không chỉ tạo điều kiện thuận lợi cho việc phân chia tài sản trong hôn nhân mà ngay cả sau khi ly hôn, các quy định của hợp đồng ly hôn cũng giúp cho thủ tục ly hôn trở nên dễ dàng hơn. Tòa án sẽ xác định đâu là tài sản chung, đâu là tài sản riêng trên cơ sở thỏa thuận, phân chia theo quy định
Giải đáp một số vướng mắc về vấn đề chia tài sản khi ly hôn
1, Có được phép chia tài sản khi ly hôn cho con dưới 18 tuổi có được không?
Được phép nhưng nếu muốn tặng cho các con thì hai vợ chồng có thể tự thỏa thuận để cử ra một trọng số những người có đủ khả năng làm đại diện theo pháp luật làm đại diện cho hai con trong giao dịch này.
Tìm hiểu kỹ hơn tại Chia tài sản khi ly hôn cho con
2, Khi chia tài sản sau ly hôn có phải nộp thuế không?
Khi chia tài sản ly hôn theo bản án của Tòa án thì việc phân chia thuộc trường hợp được miễn thuế thu nhập cá nhân theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 3 Thông tư 111/2013/TT-BTC hướng dẫn thực hiện Luật thuế thu nhập cá nhân…: “Trường hợp bất động sản (bao gồm cả nhà ở hình thành trong tương lai, công trình xây dựng hình thành trong tương lai theo quy định pháp luật về kinh doanh bất động sản) do vợ hoặc chồng tạo lập trong thời kỳ hôn nhân được xác định là tài sản chung của vợ chồng, khi ly hôn được phân chia theo thỏa thuận hoặc do Tòa án phán quyết thì việc phân chia tài sản này thuộc diện được miễn thuế.”
Xem thêm: Biên bản thỏa thuận chia tài sản sau ly hôn
3, Ai sẽ là người phải nộp phí chia tài sản khi ly hôn?
Theo Điều 147 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, trong các vụ án ly hôn, người nộp đơn ly hôn (nguyên đơn) phải chịu án phí sơ thẩm không phụ thuộc vào việc đơn yêu cầu có được chấp thuận hay không.
Trong trường hợp cả hai cùng yêu cầu thuận tình ly hôn thì mỗi người phải chịu một nửa mức án phí sơ thẩm.
Xem thêm thông tin về án phí phải nộp: Án phí – nhưng điểm cần lưu ý
Tìm hiểu các vấn đề hôn nhân khác Tại đây
Xem thêm: Chia tài sản khi thuận tình ly hôn
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết nêu trên được luật sư, chuyên gia của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật. Hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn