Ngoại tình là lý do rất phổ biến khiến nhiều cặp vợ chồng ly hôn. Chính bởi vậy rất nhiều người thắc mắc về vấn đề chia tài sản khi ngoại tình. Vậy Chia tài sản khi ngoại tình được pháp luật quy định như thế nào? vợ hoặc chồng ngoại tình có được chia tài sản sau ly hôn không? Có được quyền giữ hết tài sản khi vợ hoặc chồng ngoại tình?
Nhằm giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này Công ty Luật TNHH Everest xin gửi đến quý độc giả thông tin dưới bài viết sau.
Chia tài sản khi ngoại tình được pháp luật quy định như thế nào?
Mục lục bài viết
Thực tế theo quy định pháp luật hôn nhân và gia đình hiện nay không có quy định cụ thể việc chia tài sản khi ngoại tình. Vấn đề chia tài sản khi ngoại tình được phân tích trong bài viết này đặt ra trong trường hợp hai bên vợ chồng không thể thỏa thuận được việc chia tài sản chung hoặc hai bên có thỏa thuận về chế độ tài sản nhưng điều khoản thỏa thuận chia tài sản khi ly hôn trong thỏa thuận đó bị vô hiệu. Pháp luật hiện nay chỉ có quy định về nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như sau:
- Tài sản chung của hai vợ chồng được chia đôi và có tính đến các yếu tố sau đây:
- Hoàn cảnh của gia đình và của vợ, chồng ( là tình trạng về năng lực pháp luật, năng lực hành vi, sức khỏe, tài sản, khả năng lao động của vợ, chồng và của các thành viên khác trong gia đình để tạo ra thu nhập sau ly hôn mà theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình thì vợ chồng có quyền, nghĩa vụ về nhân thân và tài sản. Bên gặp khó khăn hơn sau ly hôn được chia phần tài sản nhiều hơn so với bên kia/ hoặc được ưu tiên nhận loại tài sản để bảo đảm duy trì, ổn định cuộc sống của họ nhưng phải phù hợp với hoàn cảnh thực tế của gia đình và của vợ, chồng.)
- Công sức của cả hai bên vợ và chồng đóng góp để tạo lập, duy trì và phát triển khối tài sản chung. ( là sự đóng góp về tài sản riêng, thu nhập, công việc gia đình và lao động của vợ, chồng trong việc tạo lập, duy trì và phát triển toàn bộ khối tài sản chung. Việc xác định công sức đóng góp này không phân biệt người ở nhà chăm sóc con và gia đình mà không ra ngoài lao động với người đi làm ở bên ngoài có thu nhập. Bên nào có nhiều đóng góp hơn thì sẽ được chia nhiều hơn.)
- Bảo vệ lợi ích chính đáng trong sản xuất, kinh doanh và nghề nghiệp của mỗi bên để các bên có thể tiếp tục lao động tạo thu nhập; (là việc chia tài sản chung này cần phải bảo đảm cho cả vợ và chồng đang hoạt động nghề nghiệp, hoạt động sản xuất, kinh doanh được tiếp tục hành nghề, sản xuất, kinh để tạo thu nhập sau ly hôn và phải thanh toán phần giá trị tài sản chênh lệch cho bên kia nếu được nhận tài sản bằng hiện vật và có chênh lệch giá trị được nhận theo tỷ lệ giải quyết chia tài sản chung. Việc bảo vệ lợi ích chính đáng của mỗi bên này không được gây ảnh hưởng tới điều kiện sống tối thiểu của vợ và chồng cùng con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự.
- Lỗi của các bên trong việc vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng. (là lỗi của vợ/ hoặc của chồng vi phạm quyền, nghĩa vụ về nhân thân, tài sản của vợ chồng mà dẫn đến ly hôn như: bạo lực gia đình/ không chung thủy (như đi ngoại tình) / phá tán tài sản)
Tìm hiểu thêm: Chia tài sản khi ly hôn – Cuộc chiến không hồi kết
- Tài sản chung của vợ chồng được chia bằng hiện vật, khi không chia được bằng hiện vật thì chia theo giá trị ( giá trị này là giá trị xác định tại thời điểm giải quyết sơ thẩm vụ việc theo giá trên thị trường); bên nào nhận phần tài sản bằng hiện vật có giá trị lớn hơn phần mình được hưởng theo tỷ lệ giải quyết chia tài sản thì phải thanh toán phần chênh lệch giá trị cho bên kia.
- Tài sản riêng của một bên vợ, chồng vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó, trừ khi tài sản riêng đó đã được nhập vào tài sản chung theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình.
- Nếu có sự sáp nhập, trộn lẫn giữa tài sản riêng với tài sản chung mà vợ hoặc chồng có yêu cầu về chia tài sản thì được thanh toán phần giá trị tài sản mà mình đóng góp vào khối tài sản đó, trừ khi hai bên có thỏa thuận khác.
- Khi giải quyết chia tài sản lúc ly hôn Tòa án cần phải xem xét để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự/ không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình.
- Khi chia tài sản chung của vợ chồng lúc ly hôn, Tòa án phải xác định vợ, chồng có quyền, nghĩa vụ về tài sản với người thứ ba hay không để đưa người thứ ba đó vào tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ việc. Khi người thứ ba này có yêu cầu giải quyết quyền và nghĩa vụ của vợ chồng về tài sản với họ thì Tòa án phải giải quyết đồng thời lúc chia tài sản chung của vợ chồng. Khi người thứ ba này không yêu cầu giải quyết thì Tòa án hướng dẫn họ cách thức để giải quyết vụ việc riêng của họ bằng vụ án khác.
(Căn cứ quy định tại Khoản 2 , khoản 3, khoản 4, khoản 5 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014 Điều 59 Luật hôn nhân và gia đình 2014; Khoản 3, khoản 4, khoản 5, khoản 6 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01/2016/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 06/01/2016 của Tòa án Nhân dân Tối cao- Viên kiện sát Nhân dân Tối cao- Bộ tư pháp về Hướng dẫn thi hành một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình)
Vợ hoặc chồng ngoại tình có được chia tài sản sau ly hôn?
Việc vợ hoặc chồng ngoại tình là hành vi không chung thủy được xác định là hành vi vi phạm nghĩa vụ của vợ chồng theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam hiện hành. Chính vì hành vi ngoại tình đó mà khiến cho quan hệ hôn nhân phải chấm dứt, hai bên tiến đến ly hôn. Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện nay khi vợ hoặc chồng ngoại tình dẫn đến ly hôn vẫn được chia tài sản. Hành vi ngoại tình của người vợ hoặc người chồng được xem là 1 trong các yếu tố (chính là yếu tố lỗi của các bên trong việc vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng như đa nêu tại phần đầu bài viết) để Tòa án xem xét giải quyết chia tài sản chung khi ly hôn. Có thể vì yếu tố lỗi ngoại tình đó kết hợp cùng với việc xem xét đầy đủ các yếu tố theo nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn như đã nêu trên mà bên vợ hoặc chồng không có hành vi ngoại tình có thể được hưởng tỷ lệ phần tài sản được chia nhiều hơn.
Tìm hiểu thêm: Luật Hôn nhân
Có được quyền giữ hết tài sản khi vợ hoặc chồng ngoại tình?
Nếu hai bên vợ chồng có tài sản chung thì theo theo nguyên tắc giải quyết tài sản của vợ chồng khi ly hôn thì tài sản đó sẽ được chia trừ khi hai bên tự thỏa thuận cho bên còn lại giữ toàn bộ tài sản khi vợ hoặc chồng ngoại tình (nhưng với điều kiện là thỏa thuận này phải không gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến lợi ích của gia đình; quyền, lợi ích hợp pháp của con chưa thành niên hoặc con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình; nhằm trồn tránh những nghĩa vụ về tài sản phải thực hiện như: nuôi dưỡng, cấp dưỡng; bồi thường thiệt hại; thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản; trả nợ cho cá nhân, tổ chức; nộp thuế hoặc nghĩa vụ tài chính khác đối với Nhà nước; Nghĩa vụ khác về tài sản theo quy định của luật hôn nhân và gia đình 2014 , Bộ luật dân sự 2015 cùng các quy định của luật khác có liên quan.)
Trường hợp ly hôn mà hai bên vợ chồng không thỏa thuận được việc chia tài sản chung thì bên vợ hoặc chồng không có hành vi ngoại tình cũng không có quyền giữ hết tài sản với lý do bên vợ hoặc chồng đi ngoại tình có lỗi. Bởi vì lý do như đã phân tích ở phần hai bài viêt này, bên vợ hoặc chồng ngoại tình những vẫn có quyền được chia tài sản chung khi ly hôn. Việc ngoại tình chỉ là 1 trong số các yếu tố để Tòa án xem xét khi giải quyết chia tài sản của vợ chồng khi ly hôn mà thôi. Nếu cứ kiên quyết giữ hết tài sản thì bên vợ hoặc bên chồng đi ngoại tình vẫn có thể yêu cầu cơ quan thi hành án giải quyết việc không bàn giao tài sản theo như bản án, quyết định giải quyết ly hôn của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật theo quy định của luật thi hành án dân sự .