Trong cuộc sống hôn nhân, đôi khi vì sự kiện không may nào đó xảy ra khiến một bên vợ hoặc chồng chết. Khi đó bên còn lại luôn thắc mắc về việc chấm dứt hôn nhân khi vợ hoặc chồng chết có các điều cần biết như: Thời điểm chấm dứt hôn nhân khi vợ hoặc chồng chết là khi nào? Giải quyết tài sản khi vợ hoặc chồng chết ra sao?
Nhằm giúp quý độc giả hiểu rõ hơn về vấn đề này Công ty Luật TNHH Everest xin gửi đến quý độc giả thông tin dưới bài viết sau.
Thời điểm chấm dứt hôn nhân khi vợ hoặc chồng chết là khi nào?
Mục lục bài viết
Căn cứ Điều 65 Luật hôn nhân và gia đình 2014, Khi một bên vợ hoặc chồng chết thì thời điểm chấm dứt hôn nhân được xác định chính là kể từ thời điểm mà người vợ hoặc người chồng chết.
Thời điểm người vợ hoặc người chồng chết sẽ được xác định qua giấy chứng tử và đăng ký khai tử tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.
Tìm hiểu thêm: Có nên sống thử trước hôn nhân hay không?
Giải quyết tài sản khi vợ hoặc chồng chết ra sao?
Trường hợp chấm dứt hôn nhân khi vợ hoặc chồng chết, vấn đề giải quyết tài sản đã được quy định tại Điều 66 Luật hôn nhân và gia đình 2014 cụ thể như sau:
- Trường hợp một bên vợ hoặc chồng chết thì bên hiện đang còn sống sẽ có quyền quản lý tài sản chung của vợ chồng, trừ khi bên đã chết có di chúc với nội dung chỉ định người khác quản lý di sản hoặc khi bên đã chết không có di chúc và những người thừa kế (khi có nhiều người thừa kế được xác định theo quy định pháp luật hiện hành về thừa kế) thỏa thuận cử người khác để quản lý di sản thừa kế.
- Nếu có yêu cầu về việc chia di sản thừa kế thì tài sản chung của vợ chồng được chia đôi, trừ khi vợ chồng có thỏa thuận về chế độ tài sản thì tài sản chung sẽ được chia theo thỏa thuận đó (Việc chia tài sản chung này để nhằm xác định di sản thừa kế của người vợ hoặc người chồng đã mất để tiến hành chia di sản thừa kế). Phần tài sản của người vợ hoặc người chồng đã chết sau khi đã chia tài sản chung sẽ được chia theo quy định hiện hành của pháp luật về thừa kế.
- Trong trường hợp nếu việc chia di sản gây ra sự ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người vợ hoặc người chồng hiện còn đang sống và của gia đình thì người vợ hoặc người chồng đang còn sống đó có quyền yêu cầu hạn chế phân chia di sản tại Tòa án theo quy định hiện hành của Bộ luật dân sự. (Việc hạn chế phân chia với di sản thừa kế này không phải là không được phép chia mà bản chất là tạm thời chưa thực hiện chia di sản thừa kế ngay cho những người thừa kế vì để đảm bảo cuộc sống cho người vợ hoặc người chồng còn sống và của gia đình không bị ảnh hưởng và có thời gian để chuẩn bị cho việc chia di sản nên tạm thời chưa chia ngay. Thời gian tối đã của việc hạn chế chia di sản này là 06 năm kể từ thời điểm mở thừa kế bao gồm cả thời gian 03 năm gia hạn nếu đáp ứng điều kiện gia hạn theo quy định pháp luật. Nếu không đáp ứng điều kiện gia hạn thì chỉ được hạn chế phân chia với di sản thừa kế với thời hạn tối đa là 03 năm.- Theo Điều 661 Bộ luật dân sự 2015)
- Đối với tài sản trong kinh doanh của vợ chồng thì cũng được được giải quyết phần phân tích trên, trừ trường hợppháp luật về kinh doanh có quy định khác.
Tìm hiểu thêm: Luật Hôn nhân
Điều cần biết về tài sản khi chấm dứt hôn nhân khi vợ hoặc chồng chết?
Dù người vợ hoặc người chồng đã chết có để lại di chúc với nội dung không chia tài sản cho người vợ hoặc người chồng đang con sống thì người vợ hoặc người chồng hiện đang còn sống đó vẫn là người được hưởng thừa kế mà không phụ thuộc vào nội dung di chúc đã để lại của người đã chết. Cụ thể là người này sẽ được hưởng thừa kế ít nhất là 2/3 suất của một người thừa kế theo pháp luật được hưởng trừ khi thuộc các trường hợp sau:
- Người vợ hoặc người chồng còn sống này từ chối việc nhận thừa kế mà không nhằm để trốn tránh việc phải thực hiện nghĩa vụ về tài sản với người khác (việc từ chối nhận thừa kế này phải được thể hiện dưới hình thức bằng văn bản trước thời điểm phân chia di sản và được gửi tới cho người quản lý di sản cùng những người thừa kế khác cùng người được giao nhiệm vụ thực hiện phân chia di sản để họ cùng biết)
- Người vợ hoặc người chồng còn sống đó là người mà theo quy định pháp luật là người không được quyền hưởng thừa kế như:
a) Người có hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe hoặc có hành vi ngược đãi nghiêm trọng, hành hạ người để lại di sản, có hành vi xâm phạm nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm của người để lại di sản và đã bị Tòa án kết án về hành vi đó bởi bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định;
b) Người vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ nuôi dưỡng người để lại di sản;
c) Người có hành vi cố ý xâm phạm đến tính mạng của người thừa kế khác để nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ phần di sản mà người thừa kế đó có quyền được hưởng và đã đã bị Tòa án kết án về hành vi đó bởi bản án có hiệu lực pháp luật theo quy định;
d) Người có hành vi lừa dối, cưỡng ép hoặc ngăn cản người để lại di sản trong việc lập di chúc; giả mạo di chúc, sửa chữa di chúc, hủy di chúc, che giấu di chúc nhằm hưởng một phần hoặc toàn bộ di sản trái với ý chí của người để lại di sản.
(Theo Điều 644, Điều 620, Điều 621 Bộ luật dân sự 2015)