Phân chia tài sản sau ly hôn là một quy định bắt buộc, vậy án phí cần phải đóng khi phân chia tài sản ly hôn được quy định như thế nào? Trường hợp nào thì được miễn giảm án phí phân chia tài sản ly hôn?
Tài sản chung
Mục lục bài viết
Theo quy định tại Điều 33 Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 , tài sản chung vợ chồng bao gồm:
- Tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, sản xuất, kinh doanh, hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng và thu nhập hợp pháp khác trong thời kỳ hôn nhân trừ khi phát sinh từ tài sản riêng sau khi đã chia;
- Quyền sử dụng đất sau khi kết hôn trừ trường hợp được thừa kế riêng, tặng cho riêng hoặc thông qua giao dịch bằng tài sản riêng.
Tài sản chung của vợ chồng thuộc sở hữu chung, được dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện nghĩa vụ chung của vợ chồng.
Ngoài ra, theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình, về chế độ tài sản chung vợ chồng, pháp luật tôn trọng thỏa thuận của các cặp vợ chồng. Do đó, việc phân chia tài sản vợ chồng có thể được thực hiện trong thời kỳ hôn nhân, ngay tại thời điểm ly hôn hoặc sau khi ly hôn tùy thỏa thuận.
Loại tài sản không phải chia khi ly hôn
Trong thời kỳ hôn nhân, vợ chồng có thể có tài sản chung hoặc tài sản riêng. Khi ly hôn, việc phân chia tài sản được dựa theo thỏa thuận của hai người. Tuy nhiên, có 2 loại tài sản sẽ không phải phân chia khi ly hôn:
– Loại tài sản được thỏa thuận không phân chia: Dựa theo nguyên tacwsd giải quyết thỏa thuận và tự nguyện thì nếu vợ chồng có sự thỏa thuận về tài sản chung thì Tòa án sẽ công nhận việc thỏa thuận đó.
– Tài sản riêng của vợ, chồng: Theo Điều 11 Nghị định 126 năm 2014 của Chính phủ, các tài sản sau đây sẽ được coi là tài sản riêng: Quyền tài sản với đối tượng sở hữu trí tuệ; Tài sản có trước khi kết hôn; Tài sản được thừa kế riêng, tặng cho riêng trong thời kỳ hôn nhân…
Thẩm quyền giải quyết của tòa án
Thẩm quyền của Tòa án giải quyết thủ tục khởi kiện yêu cầu chia tài sản sau ly hôn được Tòa án nhân dân cấp huyện có thẩm quyền giải quyết (Điều 35 BLTTDS 2015).
Trường hợp nếu tài sản có bất động sản thì việc chia tài sản sau khi ly hôn không có quan hệ tranh chấp hôn nhân và nuôi con chung nên thẩm quyền giải quyết là nơi có bất động sản tranh chấp.
Mức án phí phân chia tài sản sau ly hôn
Án phí là khoản chi phí về xét xử một vụ án mà đương sự phải nộp trong mỗi vụ án do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định. Án phí bao gồm: Án phí hình sự; án phí dân sự gồm có các loại án phí giải quyết tranh chấp về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, lao động. Các loại án phí này được chia thành án phí sơ thẩm và án phí phúc thẩm.
Vậy ly hôn chia tài sản như thế nào? Xem thêm tại: Chia tài sản khi ly hôn – Cuộc chiến không hồi kết
Theo Danh mục án phí, lệ phí Tòa án ban hành kèm theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, án phí về tranh chấp hôn nhân gia đình được quy định như sau:
Án phí sơ thẩm
Tranh chấp hôn nhân và gia đình không có giá ngạch mức án phí là 300.000 đồng.
Đối với tranh chấp hôn nhân và gia đình có giá ngạch thì án phí được quy định như sau:
(i) Từ 6 triệu đồng trở xuống mức án phí: 300.000 đồng.
(ii) Từ trên 6 triệu đồng đến 400 triệu đồng mức án phí là 5% giá trị tài sản có tranh chấp.
(iii) Từ trên 400 triệu đồng đến 800 triệu đồng mức án phí: 20 triệu đồng + 4% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt quá 400 triệu đồng.
(iv) Từ trên 800 triệu đồng đến 2 tỷ đồng mức án phí: 36 triệu đồng + 3% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 800 triệu đồng.
(v) Từ trên 2 tỷ đồng đến 4 tỷ đồng mức án phí: 72 triệu đồng + 2% của phần giá trị tài sản có tranh chấp vượt 2 tỷ đồng.
(vi) Từ trên 4 tỷ đồng mức án phí: 112 triệu đồng + 0,1% của phần giá trị tài sản tranh chấp vượt 4 tỷ đồng.
Nếu khối tài sản chung của hai vợ chồng bạn là 10 tỷ đồng và đang tranh chấp, nếu cần tòa án chia giúp thì mức án phí là 112 triệu đồng + 0,1% x 6 tỷ đồng = 118 triệu đồng.
Án phí phúc thẩm
Đối với tranh chấp hôn nhân và gia đình mức án phí là 300.000 đồng.
Theo tôi, vợ chồng bạn nên ngồi lại để thỏa thuận tự chia tài sản chung khi ly hôn và không yêu cầu tòa án chia giúp thì sẽ không phải tốn khoảng án phí nêu trên.
Xem thêm: Án phí phân chia tài sản
Trường hợp được giảm mức án phí chia tài sản khi ly hôn theo quy định
Trường hợp được giảm án phí:
(i) Người gặp sự kiện bất khả kháng dẫn đến không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, án phí và có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đó cư trú thì được Tòa án giảm 50% mức tạm ứng án phí, án phí.
(ii) Người đề nghị giảm tạm ứng án phí, án phí phải có đơn đề nghị nộp cho Tòa án nhân dân có thẩm quyền.
Hồ sơ bao gồm:
(i) Đơn đề nghị giảm tạm ứng án phí, án phí (khoản 2 Điều 14 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14)
(ii) Văn bản có xác nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi người đề nghị cư trú về việc người đề nghị không có đủ tài sản để nộp tạm ứng án phí, án phí và thuộc trường hợp bất khả kháng.
Xem thêm nội dung liên quan: Ly hôn có yếu tố nước ngoài
Một số câu hỏi liên quan đến chia tài sản sau ly hôn
1. Khi ly hôn tài sản sẽ được chia đôi?
Khi ly hôn, vợ chồng có quyền thỏa thuận về việc phân chia tài sản. Do đó, tài sản chung khi ly hôn sẽ được chia theo thỏa thuận.
Nếu không thỏa thuận được hoặc 1 trong 2 bên có yêu cầu về phân chia tài sản thì tòa sẽ giải quyết chia đôi theo quy định tại khoản 2 Điều 59 Luật HN&GĐ nhưng sẽ cóp sự thay đổi dựa theo các yếu tố như sau:
- Tình trạng của vợ/chồng: sức khỏe, khả năng lao động… Bên nào khó khăn sẽ được chia nhiều hơn.
- Công sức đóng góp của vợ, chồng khi tạo dựng duy trì và phát triển khối tài sản. Bên nào đóng góp nhiều sẽ được chia nhiều hơn.
- Lỗi của mỗi bên trong vi phạm quyền, nghĩa vụ của vợ chồng: Lỗi của một bên dẫn đến việc ly hôn của vợ chồng: Một trong hai người có hành vi bạo lực gia đình, không chung thủy…
Đặc biệt, khi phân chia tài sản chung vợ chồng, Tòa án phải xem xét đến quyền, lợi ích hợp pháp của vợ, con chưa thành niên, con đã thành niên nhưng mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động, tài sản để tự nuôi mình.
2. Có được đòi chia tài sản khi đã ly hôn nhiều năm?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Thông tư liên tịch số 01 năm 2016, vợ, chồng khi ly hôn có quyền tự thỏa thuận với nhau về toàn bộ các vấn đề, trong đó có phân chia tài sản chung vợ, chồng.
Nếu không thỏa thuận được và có yêu cầu gửi Tòa án thì Tòa án sẽ xem xét, quyết định việc áp dụng chế độ tài sản theo thỏa thuận hay theo luật định.
Do đó, việc phân chia tài sản chung vợ chồng là quyền của hai người. Hai người có thể thực hiện theo thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết. Do đó, nếu có yêu cầu, dù là khi đã ly hôn nhiều năm thì vẫn có quyền yêu cầu Tòa án ly hôn.
3. Con có được chia từ tài sản chung của cha, mẹ không?
Việc chia tài sản khi ly hôn chỉ thực hiện với khối tài sản của hai vợ chồng. Do đó, khi ly hôn thì con cái không liên quan đến việc chia tài sản của cha mẹ.
Tuy nhiên, sau khi hoàn tất thủ tục phân chia tài sản thì cha hoặc mẹ có thể cho tặng con phần tài sản mà mình được hưởng hoặc để lại di chúc cho con kế thừa sau khi mình mất.
Khuyến nghị của Công ty Luật TNHH Everest
- Bài viết trong lĩnh vực pháp luật nêu trên được luật sư, chuyên gia tư vấn luật của Công ty Luật TNHH Everest thực hiện nhằm mục đích nghiên cứu khoa học hoặc phổ biến kiến thức pháp luật, hoàn toàn không nhằm mục đích thương mại.
- Bài viết có sử dụng những kiến thức hoặc ý kiến của các chuyên gia được trích dẫn từ nguồn đáng tin cậy. Tại thời điểm trích dẫn những nội dung này, chúng tôi đồng ý với quan điểm của tác giả. Tuy nhiên, quý Vị chỉ nên coi đây là những thông tin tham khảo, bởi nó có thể chỉ là quan điểm cá nhân người viết.
- Trường hợp cần giải đáp thắc mắc về vấn đề có liên quan, hoặc cần ý kiến pháp lý cho vụ việc cụ thể, Quý vị vui lòng liên hệ với chuyên gia, luật sư của Công ty Luật TNHH Everest qua Tổng đài tư vấn pháp luật: 1900 6198, E-mail: info@everest.org.vn.